Logistics đang được đánh giá có tiềm năng lớn song hành với sự phát triển của kinh tế VN.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực logistics. Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An cho rằng, nhận xét của Agility rất có lý khi vị trí địa lý tự nhiên của VN đang thực sự là lợi thế, giúp VN trở thành "thỏi nam châm" thu hút đầu tư phát triển nhanh ngành dịch vụ logistics. Trong thực tế, nhiều tuyến đường bộ trong nước được tăng tốc đầu tư, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển đáng kể. Nếu tuyến đường sắt được phát triển đồng bộ, chắc chắn logistics nội địa không lo lắng về tình trạng quá tải, cạnh tranh không nổi chi phí với nước ngoài như hiện nay.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát - cho biết xe tải chở hàng từ TP.HCM đi Phan Thiết đã rút ngắn gần 2 tiếng đồng hồ, từ hơn 5 giờ nay còn khoảng 3 - 3 giờ 30 phút nhờ cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tương tự, từ TP.HCM đi Cần Thơ hay đi Nha Trang cũng tương tự vận chuyển hàng hóa rút ngắn hơn trước rất nhiều. Việc giảm thời gian đồng nghĩa với chi phí của các doanh nghiệp (DN) cũng giảm hơn cho dù chi phí cho vận tải nói chung chưa thực sự giảm như kỳ vọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, theo ông Thanh, hàng hóa giao cho khách nhanh hơn cũng yếu tố khích lệ cho cả đơn vị cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng.
Ông Thanh nhấn mạnh: "Hạ tầng phát triển thì kinh tế phát triển và các ngành dịch vụ, trong đó có vận tải hay logistics tăng trưởng rõ nét nhất. Đơn cử tại Bình Dương, nhờ có hạ tầng đồng bộ, thông thoáng, đường nội bộ, liên tỉnh rộng rãi giúp vận chuyển cũng như đi lại nhanh hơn, thuận lợi hơn. Đây là điểm cộng thu hút đầu tư. Ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa, vựa trái cây, nông thủy sản của cả nước thế nhưng do hạ tầng chưa phát triển nên chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế. Nếu hệ thống cao tốc, cảng biển, cảng sông, kho lạnh, kho trung chuyển… được đầu tư mạnh mẽ hơn, đầu tư vào đây sẽ tăng, từ đó kinh tế vùng này phát triển mạnh và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế cả nước".
Số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, nhờ hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh, nên chi phí logistics đã giảm đáng kể. Năm 2022, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% GDP, mức này đã giảm so với năm 2018 (khoảng 21% GDP). Có thể thấy, dù vẫn còn cao so với mức bình quân chung của thế giới (10,6%), nhưng ngành logistics Việt đã có những thay đổi tích cực trong thời gian qua. Song song với đầu tư hạ tầng đường bộ, Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh đầu tư đường sắt, cải tạo các ga đầu mối để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp bằng đường sắt. Cuối tháng 9 vừa qua, ngành đường sắt đã khai trương đoàn tàu chở hàng hóa từ ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương chạy thẳng đi Trung Quốc. Ngay sau khi khai trương tuyến vận tải này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Agility, VN đã lọt vào top 10/50 thị trường logistics mới nổi của thế giới nhờ có vị trí địa lý thuận lợi. Đây là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp quốc tế khi họ đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng như sự bùng nổ của thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho logistics VN.
Tại hội nghị logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" diễn ra ở TP.HCM đầu tháng 10 này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, VN hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Còn theo đánh giá của Agility, tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm. Hiện có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: VN được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Khi nền kinh tế phục hồi, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại được đà tăng trưởng, nhu cầu đối với các hoạt động logistics sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Cùng quan điểm này, Công ty Cushman & Wakefield lý giải rằng, thị trường thương mại điện tử VN đã có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Doanh thu thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023, ước đạt 10,3 tỉ USD - tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Nhờ sự phát triển của ngành thương mại điện tử mà VN trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ hậu cần. Đặc biệt, với ưu thế vị trí địa lý, nối liền với hành lang kinh tế phía nam của Trung Quốc, gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hong Kong, Thẩm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông – nơi nhiều tập đoàn sản xuất lớn chọn đặt trụ sở - giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics Việt trong mấy năm qua.
Các khảo sát cho rằng, tại châu Á, VN hiện là quốc gia dẫn đầu châu lục về đầu tư cơ sở hạ tầng khi chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này, và chính phủ có các chính sách thúc đẩy đầu tư hiệu quả. Tập hợp những yếu tố trên, Cushman & Wakefield nhận định, tiềm năng logistics tại VN là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.
Tất nhiên, các DN trong và ngoài nước không bỏ qua cơ hội này. Cuối tháng 3, sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada đã chính thức khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại tại KCN Sóng Thần 1, Bình Dương. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000 m2, trung tâm phân loại này có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (học máy), giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, qua đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng.
Trong hơn một thập kỷ qua, Lazada đã có những bước đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại và bền vững. Tại VN, Lazada Logistics sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000 m2; hàng ngàn điểm gửi hàng (Drop-off Point) trên diện rộng thông qua việc liên kết với các đối tác, hàng trăm điểm nhận hàng (Collection Point) và hệ thống tủ khóa thông minh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics VN chia sẻ,trung tâm phân loại mới này không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại VN nói chung. Đặc biệt, hệ thống đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái logistics thương mại điện tử bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn mới và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chung của ngành.
Là người có thâm niên trong lĩnh vực logistics, chuyên gia Nguyễn Lý Trường An nhận định, nếu chỉ nhìn vào lợi thế về vị trị địa lý để nói VN có cơ hội thu về hàng tỉ USD từ dịch vụ logistics thì hơi lạc quan. Điều quan trọng nhất trong ngành dịch vụ là phải số hóa được mọi công đoạn và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý của con người.
Ông nói thẳng: "Cả 2 yếu tố này trong ngành dịch vụ logistics tại VN đang thiếu, yếu, song đáng tiếc nó lại là yếu tố cần lẫn đủ. Việt Nam có thể nghiên cứu cách làm của Singapore để thực hiện cho mình. Đảo quốc có thế mạnh lớn ở vị trí là cảng trung chuyển quan trọng trên quốc tế; trình độ nhân lực làm dịch vụ của họ có thể nói là hoàn hảo. Singapore sử dụng cảng điện tử ngay sau khi xây dựng cảng không bao lâu. Năm 1972, Singapore xây dựng thành công cảng container đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Song song đó, họ gửi ngay 225 người đi đào tạo đặc biệt, trong đó có các vị trí chỉ chuyên vận hành các cần cẩu khổng lồ, phục vụ tàu container lớn…".
Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng tại cảng, nhiều trang thiết bị lớn được quốc đảo đầu tư từ rất sớm, mục đích phải tiếp nhận được các tàu khổng lồ thế giới. Và quả không ngoài mong đợi, cảng Singapore nay có siêu cảng container Tuas giai đoạn 1 vừa hoàn thành cuối năm 2021 và dự kiến hoàn thành toàn bộ cảng tự động lớn này vào năm 2040. Cảng điều khiển vận hành bằng điện, giúp giao thông hàng hải nhanh, xanh hơn với lượng khí thải carbon thấp nhất có thể.
"Singapore xác định ngành công nghiệp dịch vụ logistics là chủ lực, mang tính sống còn của quốc gia. VN từ lâu cũng có tham vọng phát triển kinh tế dịch vụ, bởi đó là ngành quan trọng giúp phát triển bền vững. So sánh cách làm dịch vụ với Singapore có thể khập khiễng, song học cách họ làm để đi tắt, đón lợi thế phát triển cho thị trường 30.000 tỉ USD là điều có thể. Hơn lúc nào hết, DN dịch vụ logistics Việt phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, biết ứng dụng công nghệ cao…." - ông Anh khuyến nghị.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cũng có chung nhận định: Việc các tổ chức đánh giá, xếp hạng quốc tế ghi nhận logistics VN tăng trưởng tốt, có độ hấp dẫn đáng kể là điều này dễ hiểu do quy mô kinh tế của VN đã tăng mạnh, kéo theo nhiều lĩnh vực dịch vụ cũng có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, kinh tế VN có độ mở lớn trong khu vực, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lẫn thương mại quốc tế đều thuộc hàng cao trong khu vực ASEAN. Đồng thời, thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số cũng ngày càng được thúc đẩy tăng trưởng cao nên chắc chắn tiềm năng phát triển của ngành logistics VN rất lớn.
Ông đánh giá: "Việc có nhiều dự án giao thông trọng điểm, quan trọng đã được đầu tư; cảng biển, cảng sông hay mạng lưới kết nối cảng nói chung cũng được thực hiện tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. VN có lợi thế là nằm ở trung tâm khu vực ASEAN nên càng có cơ hội để phát triển ngành logistics. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn một số yếu điểm. Đó là chi phí vẫn còn cao so với mức trung bình của khu vực. Một số dịch vụ còn thực hiện thủ công, chuyển đổi số trong lĩnh vực này còn chậm nên chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Kế đến là nguồn nhân lực cho logistics số nói riêng hay ngành này nói chung vẫn còn hạn chế. Phải khắc phục được những yếu điểm trên thì ngành logistics VN mới tăng tốc được".
Đặc biệt, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Dự báo kinh tế VN sẽ hồi phục và lấy lại tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới. Khi đó các ngành dịch vụ nói chung hay logistics nói riêng sẽ có tiềm năng rất lớn. Chúng ta cần xem logistics như một ngành dịch vụ mũi nhọn để tập trung phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, bản thân các DN trong nước cũng phải tăng tốc, nhất là thực hiện chuyển đổi số để có cơ hội lớn hơn. Không để các DN ngoại chiếm lĩnh thị trường.
Bình luận (0)
Gửi bình luận Quan tâm nhất Mới nhất Xem thêm bình luận